Có một câu nói: “Leo núi Phú Sỹ là một thành tích, nhưng leo nó hai lần lại là ngu ngốc”.
Vì trên chặng đường đi, bạn sẽ phải đối mặt liên tục với sự thay đổi về nhiệt độ, những đoạn dốc đột ngột, những trận mưa, gió dữ dội, và say độ cao.
Vì vậy, bạn hãy chắc chắn chuẩn bị sức khỏe, cũng như quần áo ấm và giày leo núi cần thiết trước khi leo núi.

THỜI GIAN: Đầu tháng 7 đến cuối tháng 8
CHUẨN BỊ VẬT DỤNG
- Giầy leo núi: Rất quan trọng. Nên chọn loại giầy đế bằng, có ma sát cao. Có thể mua tại các cửa hàng ICI Ishii Sports, IBS Ishii Sports, đặt trên Amazon, hoặc có thể sử dụng dịch vụ thuê giày tại cửa hàng (giá check phần cmt phía dưới).
- Găng tay: Rất quan trọng. Nên mua găng tay không thấm nước vì nó còn có thể chống gió, dùng khi nghỉ dọc đường và ở trên đỉnh núi Phú Sỹ Nhật Bản. Có thể mua tại cửa hàng 100 yên.
- Mũ len trùm đầu: Rất quan trọng. Dùng chống gió cho tai và giữ ấm khi dừng lại. Mua ở 100 yên là được.
- Gậy leo núi: Rất quan trọng. Đặc biệt giúp ích rất nhiều cho các bạn lúc đã quá mệt. Dùng tựa vào nghỉ hoặc trợ lực khi leo. Có thể mua lúc ở trạm 5, giá cũng rẻ khoảng 1000 yên.

- Kính râm: Rất quan trọng. Không có thì ngắm mặt trời mọc không vui. Với lại lúc đi xuống mặt trời chiếu thẳng vào mắt khó chịu lắm.
- Đèn pin: Rất quan trọng. Có thể mua loại 100 yên có 9 bóng và dùng 3 pin AAA. Tuy nhiên độ sáng và độ xa không bằng loại 1200 yên, chỉ có 1 bóng và 1 pin AA. Tiền nào của nấy. Nếu được thì nên mua loại gắn trên đầu, rảnh tay bớt, nhưng hơi mắc, hình như >3000 yên. Nếu bạn ở Nhật lâu dài nên mua loại này, dùng khi… động đất hoặc thiên tai.
- Áo thường: mặc trên người 1 áo. Chuẩn bị 1 cái để thay khi bạn ra quá nhiều mồ hôi là đủ. Không cần mặc quá nhiều đồ vì khi đi bạn sẽ rất nóng.
- Áo lạnh: Nên mang theo áo lạnh ấm nhất mà bạn có thể mang nhưng không cần mặc mà quấn rồi cột quanh hông. Khi dừng lại và ở trên đỉnh núi thì lấy ra mặc. Lúc đi bạn sẽ RẤT nóng không cần mặc áo lạnh.
- Quần: Mặc quần gì cũng được, miễn đừng quá hạn chế cử động là được. Jeans chật quá không thích hợp cho leo núi. Kaki là tốt nhất. Quần lửng cũng không sao, lúc đứng lại gió thổi từ dưới lên cho nó mát.
- Tất: Không quan trọng lắm, chọn loại nào cũng được. Nếu có thể nên mặc 2-3 đôi để êm chân. Nếu muốn khỏi lạnh chân thì chuẩn bị tất chống thấm. Nếu muốn tiết kiệm thì mặc 1 đôi tất, tròng vào một cái túi ni lông, rồi mặc một đôi tất nữa để bám giầy. Như vậy sẽ chống thấm hiệu quả và rẻ tiền.
- Túi đựng rác: Cần chuẩn bị 2 cái, túi đựng rác có thể cột vào quai ba lô cho nó rảnh tay. 100 yên thẳng tiến.
- Tiền xu: Ở trạm 5 có một trạm đi vệ sinh ở bên trái miễn phí, sau khi đi vệ sinh xong có thể ngồi ở băng ghế nghỉ ngơi. Nếu đi vệ sinh ở cửa hàng mua gậy thì sẽ tốn 50 yên. Ở trạm 7 nhà vệ sinh tốn 100 yên. Ở trạm 8 nhà vệ sinh là 200 yên một lần. Ở trạm 8.5 hoặc 9 thì sẽ là 300 yên một lần và trên đỉnh là 400 yên một lần. Tuy nhiên trên đỉnh mỗi lần đi vệ sinh lại phải xếp hàng đợi 40 phút ấy. Giải quyết nỗi buồn cũng mất tiền đấy.
- Túi ngủ: Không có không sao. Có thể đặt mua trên amazon giá ~ 800 yên (chịu được min 15 độ C), ngoài ra amazon có bán loại chịu được min 7 độ C nhưng theo ý kiến cá nhân thì loại 15 độ là được rồi. Dùng khi lên tới đỉnh quá sớm, đứng một chỗ thì sẽ quá lạnh, mà đi lại thì cũng không biết đi đâu. Nếu có áo ấm đủ ấm thì cũng không cần mang túi ngủ. Chủ yếu chỉ cần giữ ấm chân, tay và tai thì sẽ ổn.
- Áo mưa: Cho dù dự báo thời tiết nói không có mưa thì vẫn nên mang theo. Nên chọn loại cánh dơi hoặc chí ít là loại quần áo mưa mặc từ cửa hàng 100 yên. Áo cánh dơi thì chắc daiso mới có.
- Bình ô xy cầm tay: Bình ô xy giá khoảng 1000 yên. Dùng cho các bạn sức khỏe không tốt lắm, lên núi cao gặp khó khăn trong hít thở do không khí loãng. Có thể mua tại trạm 5 cũng có bán.
- Miếng dán ấm: Nói chung bỏ mấy miếng này trong người phòng khi trời quá lạnh hoặc khi dừng lại cũng tốt. Hoặc ở trên đỉnh núi đứng một chỗ gió thổi cũng rất lạnh.
- Nước: Chuẩn bị hai chai nước nửa lít hoặc một chai nước nửa lít và hai chai tăng lực nhỏ mua ở cửa hàng tiện dụng. Nói chung người thường sẽ uống hết 1 lít nước, còn nếu có chút kinh nghiệm thì sẽ uống nửa lít nước và hai chai tăng lực nhỏ. Lúc thấy khát chỉ nên hớp một ngụm nhỏ, giữ trong miệng để bớt cơn khát và nuốt chậm rãi. Uống nước tăng lực trước rồi uống nước suối sau để không bị khát vì uống đồ ngọt. Kết hợp cách này với di chuyển ở tốc độ vừa phải bạn sẽ không bị mất nước quá nhiều và không cần phải uống nước nhiều.
- Đồ ăn: Nên chọn các loại thức ăn giàu năng lượng như chuối, sô cô la, táo, lương khô. Nên mua 3 hộp trái cây đóng hộp 100 yên, 2 trái táo, 2 thanh sô cô la, 2 trái chuối. Tại mỗi chặng dừng lấy ra ăn, riêng sô cô la thì trên đường đi vừa đi vừa nhấm nháp.
TẬP THỂ LỰC
Không có gì ghê gớm, tập đứng lên ngồi xuống mỗi lần 200 cái. Tập kiễng chân bằng cách kê một quyển sách và nhón gót lên 200 lần là được. Mỗi lần leo hạn chế để đầu gối cao hơn eo (dùng sức quá nhiều) là được.
CHINH PHỤC ĐỈNH NÚI
Khi leo, nên đi chậm nhất có thể, dù gì thì đây cũng không phải là cuộc đua và ta nên giữ sức. Khi dừng không nên dừng lại quá lâu. Có thể lấy áo khoác cột quanh hông ra mặc vào cho ấm. Khi thấy người hơi mát mát lạnh lạnh thì phải tiếp tục đi ngay. Ngoài ra dừng quá lâu cũng khiến chùn chân và lên cơn lười không muốn đi tiếp. Khi dừng lại nghỉ không nên tháo ba lô mà vẫn mang, nhưng tựa ba lô vào dốc và đứng nghỉ.
Khi đi xuống nên đi thụt lùi cho đỡ đau đầu ngón chân. Có thể đi zic zắc đi xuống. Có một số người chạy thẳng xuống luôn, có một số người đi một chân trước rồi hạ một chân xuống sau. Có người dùng gậy chống mạnh rồi mới đặt chân xuống. Nói chung đi cách nào cũng được.
Khi đi nên dùng gậy kết hợp hai chân, sẽ giúp ích rất nhiều vì giảm lực phải dùng của hai chân. Tránh dùng các động tác đạp mạnh hoặc phải khiến đầu gối cao hơn eo.
Sau khi leo xong vào tắm onsen, sẽ lại sức rất nhanh và cực kì đã.
Kinh nghiệm là nên TAG bạn bè để rủ đi chung để có người chụp ảnh và trông đồ dùm khi đi.. toilet, hoặc chẳng may đuối quá thì còn nghe được câu “Follow Me”.
Nếu bạn đến Nhật mà chưa leo núi, hãy thử 1 lần nhé.
Chúc các bạn mùa chinh phục đỉnh núi Phú Sỹ Nhật Bản vui vẻ!!!